Liên minh chiến lược đang là xu hướng phát triển kinh tế được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhằm mục đích tối đa hóa khả năng tăng trưởng dưới sức ép cạnh tranh từ những khuynh hướng toàn cầu. Trong nội dung dưới đây, SSBM Việt Nam sẽ giải thích chi tiết liên minh chiến lược hay strategic alliance là gì.
1. Liên minh chiến lược là gì?
Liên minh chiến lược (tiếng Anh: Strategic Alliance) còn được gọi là chiến lược liên minh trong kinh doanh. Thực tế, kể từ khi xuất hiện đến nay, khái niệm liên minh chiến lược đã được rất nhiều nhà kinh tế học định nghĩa theo các cách khác nhau, tuy nhiên vẫn có những điểm tương đồng nhất định.
- Theo nhóm Giáo sư người Mỹ, Arthur Thompson và Lonny Strickland: “Liên minh chiến lược là thỏa thuận hợp tác giữa các công ty bên ngoài phạm vi những quan hệ đối tác thông thường, nhưng không đề xuất vấn đề hợp nhất hay hợp tác hoàn toàn.”
- Ở Việt Nam, PGS. TS Trương Thị Nam Thắng định nghĩa: “Liên minh chiến lược là thỏa thuận giữa các công ty hoặc đối tác để đạt các mục tiêu có lợi ích chung. Liên minh là một trong những cách thức mà các công ty quốc tế có thể lựa chọn, chủ yếu dựa vào sự cộng tác giữa các công ty hoặc các đối tác.”
Nhìn chung, bản chất của liên minh chiến lược đơn giản chỉ là thỏa thuận về kinh doanh được tiến hành giữa hai hoặc nhiều bên để hỗ trợ nhau đạt những lợi ích nhất định. Mối quan hệ hợp tác sẽ thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của các bên mà vẫn duy trì quy luật và sự tự chủ trong hoạt động vận hành của từng chủ thể tham gia liên minh.
2. Các loại liên minh chiến lược
Liên minh chiến lược có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và quy mô cũng khá đa dạng, từ hình thức hợp đồng cho đến các hình thức cổ phần hay thành lập công ty liên doanh.
2.1. Liên minh chiến lược cổ phần
Liên minh chiến lược cổ phần là hình thức hợp tác kinh doanh, trong đó các bên sở hữu một tỉ lệ nhất định cổ phần của đối tác nhằm kết hợp ưu thế giữa các nguồn lực và năng lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh và mang lại lợi ích cho các bên tham gia liên minh.
Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh tài chính như ngân hàng hay các tổ chức tín dụng, đã lựa chọn hình thức này để tiến hành đầu tư trực tiếp vào các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong những năm gần đây.
Xem thêm: Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế (Global MBA) tại SSBM Việt Nam
2.2. Liên minh chiến lược không thông qua sở hữu cổ phần
Trái với liên minh cổ phần, liên minh chiến lược không thông qua cổ phần là hình thức liên minh trong đó các bên tham gia thiết lập và phát triển các mối quan hệ hợp tác thông qua các hợp đồng để chia sẻ nguồn lực và rủi ro nhằm tối ưu hóa khả năng kinh doanh của từng bên.
Đối với hình thức liên minh này, các bên tham gia liên minh chiến lược không thành lập chủ thể kinh tế độc lập và cũng không nắm giữ cổ phần của nhau, do đó giảm đi tính chính thống và đòi hỏi ít hơn sự cam kết và ràng buộc giữa các bên tham gia.
Do sự thiếu chính thống trong quan hệ và mức độ ràng buộc thấp hơn, nên hình thức liên minh này sẽ phù hợp với các hợp đồng kinh doanh đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều thời gian và nguồn lực. Ngược lại, các dự án kinh doanh phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và chuyển giao công nghệ hiệu quả sẽ không phù hợp với hình thức này.
2.3. Liên doanh
Liên doanh chiến lược là một hình thức tổ chức hoạt động kinh doanh do hai hoặc nhiều doanh nghiệp hợp tác với nhau dựa trên giá trị cốt lõi là tài chính. Các đơn vị tham gia liên doanh sẽ tiếp tục hoạt động như một công ty chung thay vì hoạt động độc lập như trước kia. Do đó, các công ty liên doanh cần phải có và thành lập một pháp nhân riêng.
Các bên tham gia liên doanh có sự ràng buộc chặt chẽ về nguồn vốn, năng lực tài chính cũng như nguồn lực về công nghệ và nhân lực. Cũng không ngoa khi nói rằng, liên doanh chính là hình thức liên minh chiến lược cao cấp và phức tạp nhất mà các doanh nghiệp có thể thực hiện để đạt được mục tiêu chiến lược của mình.

3. Ưu nhược điểm của liên minh chiến lược là gì?
Liên minh chiến lược cũng tồn tại hai mặt như bất kỳ một vấn đề nào trong nền kinh tế. Dù mang lại nhiều ưu điểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua sức ép của thị trường, song liên minh vẫn tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn nhất định.
3.1. Ưu điểm
Kết quả của một số nghiên cứu kinh tế cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển là đối tác liên minh được lựa chọn nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này đến từ các yếu tố chi phí, công nghệ và mong muốn phát triển lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Nhờ vào liên minh chiến lược, các doanh nghiệp có thể đạt được những lợi ích như sau:
- Các liên minh chiến lược giúp tạo điều kiện thuận lợi và tối thiểu hóa rủi ro cho doanh nghiệp khi thâm nhập vào thị trường mới, đặc biệt là thị trường nước ngoài.
- Mặt khác, một số doanh nghiệp gia nhập vào các liên minh chiến lược để chia sẻ chi phí cố định cũng như rủi ro liên quan phát sinh từ việc phát triển các sản phẩm hay quy trình kinh doanh mới.
- Tham gia liên minh chiến lược là một cách thức hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô tài sản cũng như bổ sung những tiến bộ công nghệ, kỹ năng mà rất khó khăn để tự mình phát triển.
3.2. Nhược điểm
Bên cạnh các ưu điểm như trên thì liên minh chiến lược cũng ẩn chứa nhiều rủi ro đáng kể khi tham gia, trong đó vấn đề nhức nhối nhất là các liên minh có thể sẽ trở thành cơ hội để các đối thủ cạnh tranh tiếp cận được nền tảng công nghệ mới và thị trường sẵn có của chủ thể tham gia.
Đây là điều mà một số doanh nghiệp cần phải đánh đổi khi tham gia liên minh chiến lược, tuy nhiên trong một số trường hợp, sự tổn thất về công nghệ và phân khúc thị trường lại lớn hơn nhiều so với lợi ích mà liên minh mang lại, không thể bù đắp được phần chi phí và nguồn lực tổn thất.
Hơn nữa, các liên minh chiến lược đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực. Hoặc đôi khi, sự bất đồng trong việc cân bằng nghĩa vụ và quyền lợi giữa các bên có thể khiến cho liên minh sụp đổ, khiến cho doanh nghiệp không tối đa hóa được lợi ích từ liên minh.
- Xem thêm: Học MBA online và những điều cần biết khi tham gia học
Toàn bộ nội dung trên đây từ SSBM Việt Nam đã cung cấp thêm cho bạn đọc kiến thức về liên minh chiến lược là gì cũng như phân tích về ưu nhược điểm của hình thức liên minh mang lại cho doanh nghiệp. Dù là với bất kỳ hình thức nào, để mối quan hệ liên minh đạt được kết quả kỳ vọng, mỗi bên tham gia cần xác định rõ ràng mục tiêu tham gia và luôn chủ động trước những động thái của liên minh.