Định giá cổ phiếu hiểu một cách đơn giản là việc đánh giá xem một loại cổ phiếu đáng giá bao nhiêu tiền. Trong bài viết dưới đây, SSBM Việt Nam sẽ tổng hợp lại những kiến thức liên quan đến việc định giá và giới thiệu một số phương pháp định giá cổ phiếu phổ biến hiện nay.
1. Những khái niệm về giá của cổ phiếu
Khi tham gia vào thị trường chứng khoán và định giá cổ phiếu cho việc đầu tư, nhà đầu tư cần phân biệt được các khái niệm dưới đây.
1.1. Mệnh giá
Mệnh giá của một cổ phiếu là giá trị được ghi nhận trên giấy chứng nhận của cổ phiếu đó. Mệnh giá của cổ phiếu thường cố định, và chỉ thay đổi khi doanh nghiệp thực hiện thay đổi vốn điều lệ hoặc có những hành động làm thay đổi đến số cổ phần. Ví dụ: Công ty A có vốn điều lệ là 10 tỷ đồng, đồng thời đăng ký phát hành số cổ phần tương đương 1 triệu cổ phiếu. Như vậy, mệnh giá cổ phiếu của công ty A sẽ được ghi nhận là 10.000 đồng.
Trên thực tế, khái niệm mệnh giá cổ phiếu không mang quá nhiều ý nghĩa trong kinh tế cũng như hoạt động đầu tư mà thường chỉ được sử dụng cho giá trị danh nghĩa. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm cơ bản nhất trong định giá cổ phiếu, nên nhà đầu tư cần hiểu rõ để tránh bị nhầm lẫn trong quá trình nghiên cứu của mình.
1.2. Thị giá
Thị giá, hay giá trị thị trường khi định giá cổ phiếu, chính là giá trị được giao dịch trên thị trường của cổ phiếu đó tại một thời điểm xác định. Thị giá của cổ phiếu thường không ổn định mà sẽ luôn biến động trên thị trường..

Vì sao lại như vậy? Chúng ta có thể hiểu rằng, cổ phiếu cũng được các nhà đầu tư xem là một loại hàng hóa, và được mua đi bán lại trên thị trường chứng khoán nói chung. Do đó, thị giá của cổ phiếu sẽ biến động dựa trên quy luật cung cầu của thị trường, cũng như bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công ty hoặc kỳ vọng của các nhà đầu tư trong nước hoặc đầu tư quốc tế.
1.3. Thư giá
Trong việc đầu tư và định giá cổ phiếu, thư giá là khái niệm ít khi được nhắc đến.Thư giá của một cổ phiếu là giá trị của cổ phiếu đó được ghi nhận trên sổ sách kế toán nên thường được các nhà đầu tư sử dụng trong việc đánh giá tình trạng vốn cổ phần của một công ty.
1.4. Giá trị nội tại
Giá trị nội tại của cổ phiếu còn được hiểu là tiềm năng thực khi định giá cổ phiếu. Giá trị này không phụ thuộc vào sự biến động thị trường xung quanh và cũng ít bị tác động bởi các yếu tố ngoại vi này.
Do đó, các nhà đầu tư thường sẽ so sánh, cân nhắc và đưa ra quyết định đầu tư thông qua xem xét giá trị nội tại của mỗi loại cổ phiếu.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu
Có rất nhiều lý do tác động đến giá của cổ phiếu trên thị trường cổ phiếu. Hãy cùng SSBM tìm hiểu qua những yếu tố đặc trưng nhất nhé.
Sự ổn định của chính trị và nền kinh tế – xã hội:
Nếu nền kinh tế nói chung có sự tăng trưởng, doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh thì giá cổ phiếu cũng vì thế mà tăng lên. Ngược lại, khi nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu xuống dốc do dịch bệnh, khủng hoảng, lạm phát, thì giá cổ phiếu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Sự thay đổi trong quy luật cung – cầu:
Giá cổ phiếu biến động dựa trên quy luật cung cầu trong ngắn hạn. Khi lượng cầu lớn hơn lượng cung, cổ phiếu có nhiều người mua thì giá sẽ có chiều hướng tăng lên và ngược lại.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp:
Dựa vào các chỉ số ROE, ROA… trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể dự đoán được xu hướng biến động của giá cổ phiếu thông qua hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Lãi suất:
Nói một cách ngắn gọn, giá cổ phiếu và lãi suất có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với nhau. Khi lãi suất cho vay tăng, chi phí doanh nghiệp cũng sẽ tăng nên lợi nhuận sẽ giảm xuống, kéo theo cổ phiếu sẽ giảm sức hút với các nhà đầu tư và định giá cổ phiếu trên thị trường sẽ giảm xuống.
Tâm lý của nhà đầu tư:
Thị trường chứng khoán luôn thay đổi liên tục và cực kỳ nhạy cảm với các thông tin, đặc biệt trong bối cảnh thông tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý vững vàng để ít bị ảnh hưởng bởi các thông tin phức tạp trên thị trường, đặc biệt là các tin tức giả..
Xem thêm: Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế (Global MBA) tại SSBM Việt Nam
3. Các bước định giá cổ phiếu
Các nhà đầu tư khác nhau sẽ có phương pháp riêng khi định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nhìn chung thì việc xác định giá trị của một cổ phiếu thường được diễn ra theo quy trình như sau:
3.1. Bước 1: Hiểu rõ các yếu tố nội tại
Nhà đầu tư cần nhận định rõ ràng về bối cảnh chung của doanh nghiệp mà mình đang quan tâm. Các yếu tố quan trọng mà chúng ta có thể xem xét đến có thể kể đến như lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn gần đây, hoặc là cơ chế quản lý cũng như ban lãnh đạo của doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nên phân tích về môi trường xung quanh doanh nghiệp, như là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hoặc những yếu tố ngoại vi ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hoạt động.
3.2. Bước 2: Dự đoán tình hình kinh doanh công ty
Có 2 phương pháp để nhà đầu tư dự đoán kết quả kinh doanh của một công ty, bao gồm: Top-down và Bottom-up.
Đối với phương pháp Top-down, nhà đầu tư sẽ ước lượng dựa trên những số liệu vĩ mô sẵn có liên quan đến ngành nghề của doanh nghiệp, đồng thời dựa theo thị phần tương đối của doanh nghiệp trong ngành để dự đoán kết quả hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Ngược lại, phương pháp Bottom-up sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra những dự đoán về tình hình kinh doanh xuất phát từ chính những số liệu nội tại của doanh nghiệp, ví dụ như công suất của nhà máy, quy mô của chuỗi cung ứng, hiệu quả hoạt động marketing…

3.3. Bước 3: Lựa chọn mô hình định giá
Lựa chọn mô hình định giá cổ phiếu phù hợp với từng công ty khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra được quyết định chính xác nhất có thể, bởi vì không có mô hình định giá nào có thể đáp ứng phù hợp với toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường hoặc thông tin mà chúng ta có được.
Một cách tương đối phổ biến là sử dụng những mô hình định giá tương đối dựa trên những tỷ số tài chính như P/E, P/B, P/CF hay P/EBITDA… và so sánh chúng với trung bình ngành hoặc các đối thủ tương đương để đánh giá.
Ngược lại, mô hình định giá tuyệt đối sẽ giúp nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp dựa trên những giá trị về dòng tiền mà nó mang lại. Một số mô hình định cổ phiếu tuyệt đối phổ biến bao gồm chiết khấu dòng tiền, lợi nhuận thặng dư, EPV…
3.4. Bước 4: Chuyển đổi những ước lượng thành yếu tố đầu vào của mô hình
Tùy theo mô hình định giá được chọn và tính chất của cổ phiếu được định giá mà nhà đầu tư có thể xác định các yếu tố đầu vào khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung thì các yếu tố đầu vào của mô hình đều là những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như thị phần, tăng trưởng sản lượng dài hạn, số lượng cửa hàng…
3.5. Bước 5: Diễn giải kết quả từ mô hình
Có một điều mà các nhà đầu tư cần lưu ý, đó là việc định giá cổ phiếu không phải là tìm một con số chính xác như các bài toán phổ thông, mà là tìm ra một khoảng giá trị hợp lý cho một cổ phiếu. Nguyên nhân là do các thông tin chúng ta có được từ những bước trên đều mang tính chủ quan, dự đoán nên sẽ không thể tránh khỏi những sai sót nhất định.
Nếu như vậy thì, khoảng giá trị hợp lý của cổ phiếu sẽ được xác định như thế nào? Điều này sẽ phụ thuộc vào từng kịch bản mà nhà đầu tư đã vẽ ra từ trước. Không một ai có thể đảm bảo rằng dự đoán của mình khi định giá cổ phiếu là hoàn toàn chính xác.
- Xem thêm: Lựa chọn học MBA Online có thực sự hiệu quả?
4. Phương pháp định giá cổ phiếu
Dưới đây là một số phương pháp định giá cổ phiếu cơ bản mà tất cả nhà đầu tư có thể áp dụng, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường.
4.1. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E
Chỉ số P/E là cụm viết tắt của Price to Earning Ratio. Công thức định giá cổ phiếu với chỉ số P/E như sau:
P/E = P (Thị giá) / EPS (Thu nhập mỗi cổ phiếu)
Trong đó:
- P (Market Price): Thị giá của cổ phiếu.
- EPS (Earning Per Share): Thu nhập (lợi nhuận ròng) trên một cổ phiếu.
Chỉ số P/E thể hiện nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một đồng lợi nhuận. Khi chỉ số P/E thấp có nghĩa là công ty đang gặp vấn đề trong tài chính, tuy nhiên xuất hiện một số lợi nhuận bất thường, có thể là nhờ thanh lý tài sản, hoặc được rót thêm vốn…
Ngược lại, chỉ số P/E cao thể hiện triển vọng tương lai công ty tốt, lợi nhuận ít nhưng mang tính chất tạm thời. Dựa vào điều này, các nhà đầu tư có thể căn cứ để đưa ra quyết định mua hoặc bán cổ phiếu.
4.2. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B
Chỉ số P/B (Price to Book Value Ratio) cho thấy rằng giá cổ phiếu hiện tại gấp bao nhiêu lần so với tài sản ròng ghi trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Công thức định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B:
P/B = Thị giá cổ phiếu / Thư giá cổ phiếu
Chỉ số P/B phù hợp trong việc định giá các công ty có tài sản mang tính thanh khoản cao như các công ty đầu tư, công ty tài chính, ngân hàng… nhưng không thường được sử dụng cho việc định giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ. Ngoài ra, một số chuyên giá cho rằng, phương pháp này không hữu hiệu đối với những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh.

4.3. Định giá cổ phiếu bằng chiết khấu dòng tiền cổ tức
Chiết khấu cổ tức hay tỷ suất cổ tức là tỷ lệ cổ tức trả bằng tiền mặt so với giá cổ phiếu, được tính dựa trên công thức sau:
Chiết khấu cổ tức = Cổ tức bằng tiền / Thị giá
Do đó, khi nhận được thông tin rằng một loại cổ phiếu nào đó trả cổ tức 30%/ năm, nhà đầu tư nên hiểu rằng doanh nghiệp đó đang trả cổ tức bằng 30% so với mệnh giá của cổ phiếu (chứ không phải tính theo thị giá).
Định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu cổ tức cũng là một trong các phương pháp cơ bản được nhiều nhà đầu tư F0 áp dụng khi chưa có nhiều kinh nghiệm.
Như vậy, SSBM Việt Nam đã hoàn thành giới thiệu đến bạn đọc một số phương pháp định giá cổ phiếu cơ bản được đông đảo nhà đầu tư áp dụng. Nhờ vào việc hiểu rõ về cổ phiếu, thị trường cũng như nắm được các công thức định giá cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ có thêm cơ sở để cân nhắc quyết định đầu tư cho mình, từ đó gia tăng hiệu quả đầu tư.