Thu nhập bình quân đầu người là một chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng phản ánh mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư. Trong bài viết lần này, SSBM Việt Nam sẽ hướng dẫn cách tính chi tiết và chỉ ra điểm khác nhau giữa khái niệm này với tổng sản phẩm quốc dân GDP.
1. Tìm hiểu về thu nhập bình quân đầu người
Thu nhập bình quân tính theo đầu người là gì? Công thức tính thu nhập theo đầu người là gì?
1.1. Khái niệm thu nhập bình quân đầu người
Thu nhập bình quân đầu người là giá trị thu nhập trung bình mà một người kiếm được trong vòng 1 năm. Khái niệm này có thể giúp hình dung được mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo của người dân trong một quốc gia.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam không phân biệt đối tượng nào dù nam hay nữ, độ tuổi khác nhau hoặc trẻ em hay người lớn và thường được tính theo đơn vị tiền tệ hàng năm và có thể so sánh giữa các quốc gia khác nhau.
1.2. Công thức tính thu nhập bình quân đầu người
Thu nhập trung bình đầu người được tính bằng cách lấy thu nhập của hộ dân cư trong một năm chia cho trung bình số nhân khẩu trong năm của hộ đó.
Cụ thể cách tính thu nhập bình quân đầu người như sau:
Thu nhập bình quân đầu người = Tổng thu nhập của hộ dân cư trong năm / Số nhân khẩu bình quân năm của hộ

Trong đó, tổng thu nhập của hộ dân cư trong năm và thu nhập theo đầu người được tính theo đơn vị VND. Khi cần so sánh với các khu vực khác trên thế giới, người ta có thể sử dụng các công cụ tỷ giá để thực hiện chuyển đổi tương đương.
2. Tìm hiểu về GDP
GDP là gì? GDP bình quân có giống với thu nhập bình quân không? Cách để tính GDP có giống với cách tính thu nhập bình quân đầu người hay không?
2.1. GDP là gì?
GDP là viết tắt của Gross Domestic Product, có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa. GDP là chỉ tiêu dùng để đo lường tổng giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm).

2.2. Đặc điểm của GDP
GDP là một trong những chỉ số cơ bản để đánh giá sự phát triển kinh tế của một vùng lãnh thổ nào đó.
Tuy nhiên, GDP có những hạn chế như không tính đến giá trị của nền kinh tế ngầm cũng như không phản ánh được sự bất bình đẳng trong thu nhập hay chất lượng cuộc sống của người dân ở quốc gia đó.
Xem thêm:
- Chương trình MBA nào phù hợp cho bạn nhất?
- Học MBA ở Việt Nam hay nước ngoài sẽ tốt hơn?
- Những lợi thế khi Học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh
2.3. Công thức tính GDP
GDP có thể được tính theo hai phương pháp chính: phương pháp chi tiêu và phương pháp thu nhập.
- Phương pháp chi tiêu tính GDP bằng cách cộng tổng của tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và cán cân thương mại (xuất khẩu ròng, X – M).
- Phương pháp thu nhập tính GDP bằng cách cộng tổng thu nhập từ các yếu tố tiền lương (W), tiền lãi (i), lợi nhuận (Pr), tiền thuê (R), thuế gián thu ròng (Ti) và khấu hao tài sản cố định (De).
2.4. GDP bình quân đầu người là gì?
GDP bình quân đầu người là chỉ tiêu thống kê kinh tế thể hiện kết quả sản xuất kinh doanh tính bình quân trên đầu người của một quốc gia trong một năm.

GDP thế giới cùng với GDP bình quân đầu người là một thước đo được các nhà kinh tế học sử dụng để đo lường mức độ giàu có của một quốc gia, vì các thành phần tạo nên nó thường xuyên được theo dõi trên quy mô toàn cầu.
2.5. Công thức tính GDP bình quân đầu người
GDP bình quân đầu người được tính bằng cách chia GDP của một quốc gia cho số lượng dân số trung bình trong năm tương ứng.
GDP bình quân đầu người = Tổng GDP quốc gia trong năm / Dân số trung bình cùng năm của quốc gia
Trong đó, tổng GDP quốc gia và GDP bình quân được tính bằng đơn vị USD, và có thể được so sánh giữa các quốc gia khác nhau trên thế giới.
3. Phân biệt giữa GDP và thu nhập bình quân đầu người
Nhiều người thường nhầm lẫn giữa GDP và thu nhập bình quân đầu người khi nói về kết quả phát triển kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, hai chỉ tiêu này có cách tính toán và ý nghĩa khác nhau.
- GDP phản ánh toàn bộ kết quả hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một giai đoạn nhất định. GDP được dùng để đánh giá sự phát triển kinh tế theo thời gian và so sánh quốc tế.
- Trong khi đó, thu nhập theo đầu người được dùng để đánh giá mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân.

GDP thường cao hơn thu nhập trung bình đầu người, bởi vì bên cạnh yếu tố chung của cả hai là thu nhập của người lao động, thì GDP còn tính đến thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định và giá trị thặng dư.
Như vậy, SSBM Việt Nam vừa hoàn thành nội dung về thu nhập bình quân đầu người để chia sẻ đến bạn đọc. Thu nhập theo đầu người và GDP là hai khái niệm có liên quan nhưng không giống nhau, do đó khi sử dụng thu nhập bình quân đầu người và GDP để so sánh giữa các quốc gia, chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh khác nhau, không nên chỉ đơn thuần dựa vào những con số.
>>> Xem thêm: Cách quản lý tài chính cá nhân dễ dàng và hiệu quả.