Một trong những công cụ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong công tác quản lý chính là Quản trị chiến lược. Hãy cùng SSBM Việt Nam tìm hiểu về khái niệm này trong bài viết bên dưới đây.
1. Quản trị chiến lược là gì?
Quản trị chiến lược là nghệ thuật và khoa học trong việc hình thành, vận dụng và đánh giá các quyết định của hoạt động quản trị đa chức năng dựa trên việc tổng hợp bao quát quá trình hoạt động của một doanh nghiệp. Quản trị chiến lược có mục tiêu cơ bản là tối ưu hóa nguồn lực hiện hữu nhằm giúp tổ chức, doanh nghiệp đạt được mục tiêu hoạt động dài hạn, đồng thời bám sát tầm nhìn và sứ mệnh của chính nó.

2. Vai trò và mục đích của quản trị chiến lược đối với doanh nghiệp
2.1. Vai trò của quản trị chiến lược
Quản trị chiến lược có vai trò là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp định hướng đến mục tiêu kinh doanh khi hình thành. Xác định chiến lược kinh doanh đúng đắn cũng giúp cho doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ của chính nó. Đồng thời, quản trị cũng cho phép doanh nghiệp phản ứng chủ động hơn trong việc định hình tương lai của chính mình.
Ngược lại, nếu một doanh nghiệp hoạt động mà không dựa trên một chiến lược xác định hay một kế hoạch kinh doanh cụ thể, thì khả năng cao doanh nghiệp sẽ thiếu đi sự ổn định cũng như khả năng ứng biến với những thay đổi của thị trường, gây tác động xấu đến khả năng phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn.
2.2. Mục tiêu chiến lược kinh doanh
Từ vai trò tổng quát như đã đề cập ở trên, mục tiêu cụ thể của quản trị chiến lược được xác định bao gồm những nội dung sau:
- Định hướng doanh nghiệp hoạt động dựa trên mục tiêu.
- Tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
- Tạo nền tảng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.
- Nâng cao tầm nhìn của nhà quản trị và định hướng tư duy hoạt động hướng mục tiêu cho cả tổ chức.
- Hình thành liên kết nội bộ chặt chẽ trong doanh nghiệp.

3. Quy trình thực thi quản trị chiến lược
Quá trình thực thi quản trị chiến lược kinh doanh gồm 4 bước chính:
- Bước 1: Phân tích tình hình.
- Bước 2: Hình thành và xây dựng chiến lược.
- Bước 3: Triển khai chiến lược kinh doanh.
- Bước 4: Kiểm soát và đánh giá hiệu quả.

3.1. Phân tích tình hình
Trước khi xây dựng được một chiến lược phù hợp với doanh nghiệp, nhà quản trị cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện và môi trường kinh doanh thực tế. Phân tích tình hình trong quản trị chiến lược bao gồm cả phân tích về môi trường kinh doanh bên trong và môi trường kinh doanh bên ngoài của một doanh nghiệp.
Nhà quản trị có thể vận dụng một số ma trận phân tích kinh doanh như ma trận SWOT (kết hợp phân tích yếu tố bên trong và bên ngoài tác động đến doanh nghiệp), mô hình BCG (chủ yếu nghiên cứu sâu đến giá trị nội tại của doanh nghiệp) hoặc PESTLE (phân tích điều kiện kinh doanh ngoại sinh)…
3.2. Hình thành và xây dựng chiến lược
Ở giai đoạn hình thành chiến lược, doanh nghiệp và nhà quản trị nói chung cần hoàn thành những công việc sau:
- Phát triển tầm nhìn và sứ mệnh.
- Xác định cơ hội và thách thức từ môi trường bên ngoài.
- Xác định điểm mạnh và điểm yếu nội tại trong doanh nghiệp.
- Xây dựng các mục tiêu hoạt động dài hạn.
- Xây dựng các phương án quản trị chiến lược.
- Lựa chọn chiến lược phù hợp cụ thể.
3.3. Triển khai chiến lược kinh doanh
Hiểu đơn giản thì đây chính là giai đoạn mà một doanh nghiệp cần phải hành động. Để chiến lược được thực thi một cách đúng hướng và hiệu quả, doanh nghiệp cần phải xây dựng các mục tiêu ngắn hạn để phục vụ cho mục tiêu dài hạn, đồng thời phân bổ nguồn lực phù hợp với chiến lược đã đề ra.
Trong giai đoạn triển khai quản trị chiến lược kinh doanh, những chính sách hoặc công cụ nhằm để thúc đẩy và tạo động lực cho nhân viên để họ hoàn thành mục tiêu chiến lược luôn là những phương tiện triển khai cần thiết.
3.4. Kiểm soát và đánh giá hiệu quả
Mục tiêu của việc đánh giá và kiểm soát hoạt động quản trị chiến lược là để tìm ra đáp án chính xác nhất cho câu hỏi: Các chiến lược đang được áp dụng mang lại hiệu quả như thế nào đối với doanh nghiệp?
Vì vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo theo dõi các công việc như sau:
- Đánh giá lại nguồn lực nội tại cũng như các yếu tố ngoại sinh ảnh hưởng đến chiến lược.
- Đo lường hiệu quả hoạt động sau một thời gian áp dụng chiến lược.
- Đề xuất và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
- Tìm hiểu thêm: Khóa học MBA cho người đi làm vì sao thường được ưa chuộng?
4. Các công cụ để thực hành quản trị chiến lược
Doanh nghiệp và nhà quản trị có thể tham khảo và vận dụng một số ma trận phân tích kinh doanh dưới đây để việc thực thi quản trị chiến lược đạt được hiệu quả mong muốn.

4.1. Ma trận BCG
Ma trận BCG (viết tắt của: Boston Consulting Group) là một mô hình phân tích nhằm giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược tăng trưởng thị phần. Căn cứ vào vị thế trên thị trường, các sản phẩm hiện hữu của doanh nghiệp sẽ được chia thành 4 nhóm. Doanh nghiệp dùng chúng để đưa ra quyết định đầu tư hay loại bỏ: Stars – Question Marks – Cash Cows – Dogs.
4.2. SWOT
Phân tích SWOT sẽ giúp doanh nghiệp xác định 4 yếu tố bao gồm bên trong: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu) và bên ngoài: Opportunities (Cơ hội), Threats (Thách thức) để định hướng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời giúp xây dựng kế hoạch chiến lược và quản lý công việc kinh doanh một cách phù hợp, hiệu quả nhất.
4.3. Công cụ BSC
Công cụ BSC (tiếng Anh: Balanced Scorecard) giúp doanh nghiệp định hướng, thiết lập, triển khai, theo dõi và đo lường kết quả hoạt động dựa trên 4 khía cạnh: Financial (Tài chính) – Customer (Khách hàng) – Internal Business Processes (Quy trình vận hành nội bộ) – Learning & Development (Khả năng học tập và phát triển).
4.4. Mô hình Mckinsey – GE
Mô hình Mckinsey – GE hay còn gọi là mô hình 7S là một công cụ phân tích kinh doanh dựa trên 7 yếu tố cốt lõi trong một doanh nghiệp. Chúng bao gồm Chiến lược – Cấu trúc – Hệ thống – Giá trị chung – Phong cách – Nhân viên – Kỹ năng.
4.5. Ma trận QSPM
Ma trận QSPM (Quantitative Strategic Planning) giúp doanh nghiệp có cái nhìn khách quan để đưa ra quyết định chiến lược có khả năng thay thế nào là chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp theo đuổi.
Như vậy, SSBM Việt Nam đã giải đáp cho bạn đọc quản trị chiến lược là gì cũng như vai trò của chiến lược đối với hoạt động của doanh nghiệp. Chúng tôi mong rằng những thông tin này cùng với một số gợi ý về mô hình phân tích kinh doanh trên đây sẽ hỗ trợ cho các nhà quản trị tiềm năng định hướng được chiến lược kinh doanh phù hợp với riêng mình.