Kỹ năng thuyết trình là một trong số những kỹ năng mềm được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao khi lựa chọn một ứng viên, đặc biệt với những vị trí làm việc trực tiếp với khách hàng hoặc nhân viên cấp cao cần phải báo cáo thường xuyên. SSBM Việt Nam sẽ mang đến cho bạn một số gợi ý để cải thiện kỹ năng này trong nội dung dưới đây.
1. Kỹ năng thuyết trình là gì?
Kỹ năng thuyết trình là khả năng trình bày và truyền đạt nội dung một cách hiệu quả và hấp dẫn đến một hoặc một nhóm người nghe.
Người thuyết trình cần hướng tới mục tiêu giúp người nghe hiểu được những gì mình đang nói, giải quyết một vấn đề nào đó của họ, hay chỉ đơn giản là tiếp nhận một thông tin mới mẻ.

Xem thêm: Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế (Global MBA) tại SSBM Việt Nam
2. Những yếu tố khiến cho buổi thuyết trình chuyên nghiệp và hiệu quả
Để thuyết trình hiệu quả, người thuyết trình cần thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng. Kỹ năng thuyết trình chuyên nghiệp cũng được phản ánh qua khâu chuẩn bị này, bao gồm những yếu tố như cấu trúc bài thuyết trình, slides, dụng cụ hỗ trợ, trang phục…
Một buổi thuyết trình được xem là hiệu quả khi nó đạt được những yêu cầu sau:
- Người thuyết trình có phong thái tự tin, thoải mái.
- Mở đầu và kết thúc đặc trưng, gây được ấn tượng để thu hút sự chú ý của người nghe. Đồng thời, nội dung thuyết trình có cấu trúc khoa học, mạch lạc, xúc tích.
- Giọng nói dễ nghe, rõ ràng. Ngữ điệu tự nhiên và truyền cảm hứng.
- Có sự tương tác với người nghe cũng như phản hồi tích cực với thắc mắc của khán giả.
- Giải quyết được yêu cầu về thông tin và thông điệp của buổi thuyết trình.
- Thời gian thuyết trình hợp lý.

- Xem thêm: Những kỹ năng mà bạn nên học để phát triển bản thân
3. Làm thế nào để cải thiện kỹ năng thuyết trình của bạn?
Dưới đây là 9 phương pháp bạn có thể tham khảo để kỹ năng thuyết trình của mình trở nên hiệu quả hơn.
3.1. Hãy tập thể hiện bản thân một cách tự tin nhất
Sự tự tin giúp bạn dễ dàng đạt được những gì bạn mong muốn. Những người thành công luôn nói rằng tin vào chính bản thân mình là chìa khóa giúp họ gặt hái thành công.
Tuy nhiên, xây dựng niềm tin mạnh mẽ vào bản thân là một thử thách lớn và cần có một quá trình rèn luyện. Trước hết, hãy bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của bản thân. Đừng nghĩ rằng kỹ năng thuyết trình kém sẽ khiến buổi thuyết trình của bạn không hiệu quả. Khi bạn dám đứng lên và nêu ra quan điểm của mình, đó chính là lúc buổi thuyết trình tiếp diễn đúng với mục đích vốn có.
3.2. Tìm hiểu xem người nghe muốn nghe gì
Nếu bạn là một người sợ đám đông và bị ám ảnh bởi việc giao tiếp với người lạ, hãy “phá băng” để khiến họ trở thành những người thân thuộc. Nhờ đó, bạn sẽ giảm bớt cảm giác xa cách, choáng ngợp khi thuyết trình.
Hãy tìm hiểu xem khán giả là ai, họ muốn nghe điều gì, và vấn đề mà họ đang cần được giải quyết. Có thể giữa bạn và người nghe sẽ có một số điểm chung không ngờ đến đấy.
Thực tế, vào buổi thuyết trình thì bạn mới có thể gặp người nghe của mình, nhưng việc biết trước về họ dù chỉ một chút sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và kỹ năng thuyết trình cũng từ đó mà cải thiện hơn.

3.3. Hãy chuẩn bị thật kỹ cho buổi thuyết trình
Kỹ năng thuyết trình cũng được thể hiện ngay trong những hành động nhỏ. Nó bao gồm sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng đến từ người thuyết trình.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn muốn đạt được điều gì và mang đến lợi ích gì cho khán giả sau buổi thuyết trình. Sau đó, nghiên cứu các tài liệu liên quan và chuẩn bị thêm các yếu tố như hình ảnh, phương tiện minh họa cho đến âm thanh nếu cần thiết.
Từ nội dung đến các phương tiện cần thiết phục vụ cho buổi thuyết trình của bạn, hãy chuẩn bị và kiểm tra để chắc chắn mọi thứ đều sẵn sàng. Bạn sẽ tự tin hơn rất nhiều khi bạn biết rõ mình phải nói những gì và trình tự ra sao.
3.4. Hãy “chia sẻ” một cách tự nhiên
Một trong những lỗi cơ bản mà nhiều người vẫn hay mắc phải khi thuyết trình chính là nhìn vào kịch bản và đọc toàn bộ nội dung.
Thông thường chúng ta hay soạn sẵn nội dung của bài thuyết trình và học thuộc nó trong lúc luyện tập. Cách này không hiệu quả để cải thiện kỹ năng thuyết trình vì nếu chỉ học vẹt thì rất dễ khiến ta rơi vào tình trạng bị động nếu bỏ sót mất một ý nào đó.
Thay vì cầm cả một kịch bản hoàn chỉnh, hãy chỉ sử dụng tấm giấy ghi chú về những ý chính bạn cần nói. Việc nói chính xác từng từ một như trong kịch bản là không cần thiết, hãy nói như bạn đang chia sẻ một điều gì đó rất thú vị.
3.5. Luyện tập trước khi thuyết trình
Không phải ai sinh ra cũng là một người có tài ăn nói. Bạn hoàn toàn có thể trau dồi kỹ năng thuyết trình bằng cách luyện tập nó thường xuyên. Để buổi thuyết trình diễn ra suôn sẻ, hãy luyện nói thật nhiều. Điều này không chỉ giúp bạn nhớ những gì cần nói mà còn giúp bạn phát hiện được lỗi sai của mình.
Một MC chuyên nghiệp luôn cần luyện tập rất nhiều cho một chương trình phát sóng trực tiếp để không mắc phải sai sót nào, hoặc ít nhất là hạn chế tối đa việc mắc lỗi.
3.6. Đừng quá cứng nhắc khi thuyết trình
Nói đúng những gì cần nói cộng thêm với sự hài hước một cách thông minh sẽ là điểm cộng lớn cho bài thuyết trình của bạn đấy.
Nếu có thể hãy lồng ghép thêm một câu chuyện có liên quan đến nội dung bạn nói để tăng thêm phần sinh động. Người ta thường bị hấp dẫn và dễ cảm thông hơn bởi những câu chuyện.

3.7. Hãy áp dụng ngôn ngữ cơ thể
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể hay phi ngôn ngữ để hỗ trợ cho kỹ năng thuyết trình sẽ giúp bài thuyết trình của bạn tự nhiên, hấp dẫn và sinh động hơn.
Cử chỉ bàn tay linh hoạt, ánh mắt hay một cái gật đầu khi nói sẽ giúp bạn tự tin hơn và kiểm soát được trạng thái của cơ thể khi thuyết trình. Ánh mắt tương tác với người nghe giúp bạn dễ dàng tạo sự kết nối với họ.
Tuy nhiên, đừng quá lạm dụng cử chỉ hay ngôn ngữ cơ thể vì nó có thể làm bạn mất tập trung, hoặc tệ hơn nữa là gây khó chịu cho người nghe.
3.8. Mở đầu và kết thúc ấn tượng
Đừng nên giới thiệu trực tiếp vào bài thuyết trình nếu bạn muốn nó sinh động hơn cũng như “đầu xuôi đuôi lọt”.
Bạn hoàn toàn có thể kể một câu chuyện, chỉ ra một con số ngoạn mục hay một câu trích dẫn nổi tiếng để tạo hứng thú cho người nghe. Sau đó, bạn sẽ dễ dẫn dắt vào nội dung thuyết trình chính của mình.
Tương tự với lời mở đầu, hãy kết thúc bài thuyết trình một cách chuyên nghiệp và tạo được ấn tượng cho người nghe. Tóm tắt và nhấn mạnh thông tin quan trọng cũng giúp người nghe tổng hợp và nhớ thông tin lâu hơn.
3.9. Lắng nghe và ghi nhận góp ý từ người nghe
Đừng chỉ tập trung vào những gì mình nói mà hãy để ý đến thái độ và phản ứng của khán giả. Nếu người nghe đang bối rối hay tỏ vẻ thắc mắc, hãy giúp họ làm sáng tỏ những vấn đề đó để phần tiếp theo của buổi thuyết trình sẽ càng hiệu quả hơn.
Đặc biệt, sau khi thuyết trình xong, nếu có thể hãy thu thập góp ý từ người nghe. Tìm hiểu xem họ cảm thấy như thế nào về bài nói của bạn, lắng nghe và cải thiện những điểm hạn chế. Đây là bước quan trọng để kỹ năng thuyết trình của bạn ngày một tiến bộ hơn.

- Xem thêm: Những lưu ý đối với người học MBA tại Việt Nam
4. Những điều gì có thể phá hỏng bài thuyết trình của bạn?
- Không luyện tập trước buổi thuyết trình.
- Trang phục không phù hợp hoặc quá gò bó.
- Nhìn vào giấy và đọc thay vì dùng outline để chia sẻ.
- Lạm dụng slide thuyết trình.
- Mở đầu và kết thúc một cách nhàm chán.
- Nói lan man, không có trọng tâm, không điểm nhấn.
- Không chú ý và tương tác với người nghe.
- Có những cử chỉ không hay hoặc quá trớn trong khi nói.
Như vậy, nội dung trên đây đã tổng hợp lại những yếu tố liên quan đến một buổi thuyết trình cũng như những phương pháp giúp bạn cải thiện kỹ năng thuyết trình một cách hiệu quả nhất. Hãy tham khảo thêm cùng SSBM Việt Nam nhé.