Trên cơ sở phối hợp và bổ sung cho các mô hình phân tích kinh doanh khác, các doanh nghiệp thường sử dụng mô hình phân tích SPACE. Trong bài viết này, SSBM Việt Nam sẽ giải đáp cho bạn đọc ma trận SPACE là gì cũng như được xây dựng như thế nào nhé.
1. Ma trận SPACE là gì?
Ma trận SPACE (viết tắt của: Strategic Position and Action Evaluation) là một mô hình phân tích kinh doanh dựa trên vị thế chiến lược và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Khi phân tích SPACE, có 4 khía cạnh cần được xem xét bao gồm:
- Nhóm khía cạnh bên trong: Financial Strength (FS – Sức mạnh về nguồn lực tài chính) và Competitive Advantage (CA – Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp).
- Nhóm khía cạnh bên ngoài: Environmental Stability (ES – Sự ổn định của môi trường) và Industry Strength (IS – Sức mạnh của ngành).
Từ việc đánh giá tổng quan về bối cảnh bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, ma trận SPACE trở thành cơ sở để đưa ra quyết định dựa trên 4 chiến lược hành động, bao gồm: Aggressive Posture (Chiến lược tấn công), Competitive Posture (Chiến lược cạnh tranh), Conservative Posture (Chiến lược bảo thủ thận trọng) và Defensive Posture (Chiến lược phòng thủ).

2. Cách thiết lập ma trận SPACE
Ma trận SPACE được thiết lập dựa theo quy trình 5 bước như dưới đây:
- Bước 1: Chọn một nhóm biến số thể hiện các khía cạnh FS, CA, ES và IS. Sau đó, sắp xếp thứ tự của các biến số từ cao đến thấp dựa theo tầm quan trọng của chúng đối với doanh nghiệp. Công thức tham khảo để tính toán tỷ trọng mức độ ảnh hưởng cho mỗi biến số như sau:
Tầm quan trọng của biến số thứ i (%) = [2(n + 1 – i)] / [n(n+1)]
Với i: thứ tự xếp hạng và n: tổng số các yếu tố
- Bước 2: Gán giá trị cho các biến số. Đối với khía cạnh FS và IS, giá trị được gán từ 1 đến 6. Còn lại, khía cạnh ES và CA sẽ được gán giá trị từ -1 xuống -6.
- Bước 3: Tính giá trị trung bình của cả 4 khía cạnh FS, CA, ES và IS. Sau đó, tiến hành đánh dấu những giá trị tính toán được lên các trục tương ứng.
- Bước 4: Tính tổng 2 điểm trên trục hoành / tung và đánh dấu kết quả lên trục. Tiếp theo, xác định giao điểm giữa trục hoành và trục tung của các giá trị đó.
- Bước 5: Vẽ vectơ từ gốc tọa độ đến giao điểm mới. Hướng và tính chất của vectơ sẽ giúp doanh nghiệp xác định được chiến lược hành động là tấn công, cạnh tranh, thận trọng hay phòng thủ.
Xem thêm: Tiềm năng của thạc sĩ MBA trên thị trường thế giới.
3. Ý nghĩa các trục của ma trận
Trục hoành X trong ma trận SPACE dùng để thể hiện 2 khía cạnh: Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp CA và Sức mạnh của ngành IS. Trong đó, biến số CA có giá trị từ 1 đến 6 (với 6 là tốt nhất) và biến số IS được gán giá trị từ -6 đến -1 (với -6 là xấu nhất).
Bên cạnh đó, trục tung Y trong ma trận SPACE là nơi để thể hiện thông tin của 2 khía cạnh: Sức mạnh tài chính FS và Sự ổn định của môi trường ES. Tương tự với trục X, các giá trị trên trục tung Y cũng được gán giá trị từ 1 đến 6 cho biến số FS (với 6 là tốt nhất); hoặc giá trị từ -6 đến -1 cho biến số ES (với -6 là xấu nhất).

4. Phân tích ma trận
Định hướng 4 hành vi chiến lược khi phân tích ma trận SPACE bao gồm tấn công, cạnh tranh, thận trọng và phòng thủ.
4.1. Hành vi chiến lược tấn công (Aggressive posture)
Khi phân tích ma trận SPACE, nếu vectơ được xây dựng thuộc khu vực chiến lược tấn công, điều này có nghĩa là doanh nghiệp hiện đang có khả năng đảm bảo tài chính tương đối ổn định khi hoạt động kinh doanh trong một ngành có xu hướng phát triển mạnh mẽ.
Hành vi chiến lược tấn công được áp dụng bởi những doanh nghiệp có sức hút thị trường trong một nền kinh tế đang phát triển ổn định. Bên cạnh đó, sức mạnh về tài chính cũng đóng vai trò quan trọng khi theo đuổi chiến lược tấn công này.
Khi áp dụng Aggressive posture, doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt những cơ hội phát triển thông qua việc tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh như thúc đẩy gia tăng thị phần, các chính sách tối đa hóa lợi nhuận từ sản phẩm (cải tiến, tập trung vào sản phẩm chủ lực…).

4.2. Hành vi chiến lược cạnh tranh (Competitive posture)
Ngược lại, nếu đang hoạt động kinh doanh trong một ngành đang có tiềm năng phát triển khá tốt nhưng môi trường kinh doanh xung quanh ngành lại chưa thực sự ổn định, doanh nghiệp thường áp dụng mô hình hành vi chiến lược cạnh tranh.
Những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược cạnh tranh này trong ma trận SPACE có đủ khả năng và nguồn lực để phát triển lợi thế cạnh tranh của mình như cải tiến quy trình sản xuất, mở rộng hệ thống chuỗi cung ứng hoặc tăng cường giá trị tạo ra cho sản phẩm từ hoạt động marketing.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh không thuận lợi cũng sẽ làm tăng rào cản gia nhập ngành. Nếu doanh nghiệp khai thác được những ưu điểm phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình so với đối thủ cạnh tranh, thì doanh nghiệp đó sẽ vượt qua được các đối thủ của mình.

4.3. Hành vi chiến lược thận trọng bảo thủ (Conservative posture)
Trong trường hợp ngành đó đang phát triển rất chậm và có thể tiệm cận với trạng thái bão hòa, tuy nhiên vẫn mang sự ổn định tương đối, doanh nghiệp có thể áp dụng hành vi chiến lược thận trọng bảo thủ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cho nguồn lực về tài chính cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành để có thể đạt được hiệu quả kinh doanh mong muốn khi áp dụng chiến lược thận trọng. Một số giải pháp thận trọng phổ biến khi áp dụng ma trận SPACE có thể kể đến như loại bỏ những dòng sản phẩm không phù hợp để tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, tối thiểu hóa chi phí và thắt chặt quản lý dòng tiền của mình.

4.4. Hành vi chiến lược phòng thủ (Defensive posture)
Nếu doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng chiến lược phòng thủ trong ma trận SPACE, thì điều đó có nghĩa là thực trạng ngành không còn đủ hấp dẫn để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Lúc này, khả năng cạnh tranh được xem là yếu tố then chốt để có thể giữ vững vị thể trong ngành.
Doanh nghiệp nên cân nhắc các kịch bản xấu có thể xảy ra như bắt buộc phải thu hẹp quy mô kinh doanh hoặc tệ hơn là cần thiết phải rút lui khỏi thị trường để duy trì được khả năng tồn tại và hoạt động của cả doanh nghiệp.

Xem thêm: Học MBA là gì? Những lợi ích khi học MBA
5. Đánh giá ưu nhược điểm của ma trận SPACE
Dù được xây dựng trên cơ sở khắc phục những thiếu sót của các mô hình khác và có nhiều ưu điểm nổi bật, song ma trận SPACE vẫn tồn tại một số yếu điểm.
5.1. Ưu điểm
- SPACE là một công cụ hỗ trợ hiệu quả cho quá trình quản trị chiến lược. Khi phân tích ma trận SPACE, các yếu tố chiến lược sẽ được giải quyết gọn gẽ, chi tiết và liên quan trực tiếp tới các yếu tố cạnh tranh trong một tổ chức.
- Ma trận SPACE giúp doanh nghiệp có cơ sở để xác định các hành vi chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể được sử dụng khi doanh nghiệp có sự thay đổi về chiến lược.
5.2. Nhược điểm
- Bước sắp xếp và xác định tỷ trọng ảnh hưởng của các nhóm yếu tố FS, CA, ES và IS được dựa theo quan điểm chủ quan của nhà quản trị hoặc doanh nghiệp. Do đó, sự chính xác không được đảm bảo và có thể dẫn tới sai lệch khi ra quyết định chiến lược.
- Ma trận SPACE cũng không hỗ trợ đầy đủ khi đánh giá về yếu tố bên trong cũng như các yếu tố bên ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp hoặc nhà quản trị cần phối hợp với một số mô hình phân tích kinh doanh khác như phân tích SWOT, ma trận BCG, EFE, IFE…
Vừa rồi là nội dung tổng hợp để giải đáp cho bạn đọc về câu hỏi ma trận SPACE là gì. SSBM Việt Nam mong rằng những thông tin bổ ích trong bài viết sẽ hỗ trợ tích cực cho các bạn trong hoạt động kinh doanh cũng như đời sống thường nhật của mình.
I am in fact glad to glance at this weblog posts
which carries tons of valuable information, thanks for providing
these kinds of statistics.
Also visit my web page: IFSC