Bên cạnh những mô hình phân tích kinh doanh phổ biến như ma trận SWOT, ma trận BCG…, những nhà phân tích kinh doanh còn sử dụng ma trận GE. Vậy, hãy cùng SSBM Việt Nam tìm hiểu ma trận GE là gì và được phân tích như thế nào trong kinh doanh qua nội dung sau đây.
1. Ma trận GE là gì?
Ma trận GE có tên đầy đủ trong tiếng Anh là ma trận GE McKinsey hoặc ma trận McKinsey. Đây là một công cụ mô hình phân tích trong kinh doanh nhằm đưa ra các chiến lược thích hợp tương ứng với từng SBU trong doanh nghiệp. Trong các chương trình MBA, ma trận này cũng được đề cập như một yếu tố quan trọng đi kèm với các môn học.
1.1. Yếu tố chính của ma trận GE
Trước khi xác định chiến lược kinh doanh cho từng SBU, doanh nghiệp cần làm rõ rằng thị trường mà họ đang nhắm tới có đủ hấp dẫn không. Một số yếu tố nên được cân nhắc và xem xét khi nghiên cứu về thị trường có thể kể đến như:
- Quy mô thị trường.
- Tốc độ tăng trưởng thị trường hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.
- Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Cơ hội và thách thức khi nhắm đến thị trường.
- Khả năng đáp ứng về khoa học – kỹ thuật và công nghệ để phục vụ thị trường.
Bên cạnh đó, khi phân tích ma trận GE, doanh nghiệp cũng cần xác định những yếu tố về khả năng cạnh tranh của chính những SBU hiện hữu của doanh nghiệp:
- Giá trị cốt lõi.
- Chất lượng sản phẩm và quy mô phân phối thị trường.
- Nguồn lực khả dụng: tài sản thanh khoản tốt, nguồn vốn có thể huy động nhanh cũng như khả năng tiếp cận các nguồn tài chính nội bộ và ngoại vi doanh nghiệp.
- Độ nhận diện và sức mạnh đến từ thương hiệu.

1.2. Cách thiết lập ma trận GE
Tương ứng với hai yếu tố chính về thị trường và SBU, doanh nghiệp có thể thiết lập ma trận GE theo trình tự như sau:
- Nắm chắc Product Market Combinations (PMC): Hãy tìm đáp án cho những câu hỏi: “Doanh nghiệp sẽ phục vụ cho đối tượng khách hàng nào?”, “Khách hàng mong muốn điều gì? Họ có nỗi đau liên quan nào?” và “Mình sẽ đáp ứng nhu cầu của họ bằng những sản phẩm gì?”
- Đánh giá lợi thế cạnh tranh và mức độ hấp dẫn trên thị trường của mỗi đơn vị kinh doanh: Đây là 2 yếu tố rất quan trọng và cần được đánh giá chính xác. Tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh sẽ giúp cho sản phẩm nổi bật trên thị trường và làm tăng được mức độ hấp dẫn của nó đối với khách hàng.
Sau khi thiết lập được yếu tố thị trường, nhà quản trị cần hoàn thiện ma trận.
McKinsey bằng những phân tích về yếu tố đơn vị kinh doanh chiến lược – SBU:
- Mỗi SBU của doanh nghiệp được biểu diễn bằng một đường tròn trên bảng ma trận.
- Tâm của đường tròn được đặt theo PMC, lợi thế cạnh tranh và sức hấp dẫn trên thị trường của SBU đó.
- Kích thước của đường tròn tương ứng với quy mô của ngành, đồng thời thể hiện cho thị phần của SBU trong ngành kinh doanh mà nó đang tham gia.
2. Đặc điểm và cấu tạo của GE Matrix
Ma trận GE được hình thành theo 2 trục tương ứng với 2 nhóm yếu tố như chúng ta vừa đi qua:
2.1. Trục dọc X – Market Attractiveness
Trục tung X trong ma trận GE thể hiện cho sức hấp dẫn của thị trường tương ứng với điểm số PMC đã nghiên cứu từ trước.
Sức hấp dẫn của thị trường được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố với trọng số khác nhau như: quy mô, khả năng tăng trưởng, khả năng tạo lợi nhuận, mức độ cạnh tranh, chi phí thâm nhập, mức độ rủi ro cũng như những trở ngại về pháp lý, chính sách, xã hội…
Sức hấp dẫn của thị trường được chia làm ba mức: cao, trung bình và thấp.
2.2. Trục ngang Y – Business Strength
Trục hoành Y trong ma trận GE thể hiện lợi thế cạnh tranh của các SBU hiện hữu của doanh nghiệp.
Một số tiêu chí để xác định lợi thế cạnh tranh có thể kể đến như: chất lượng sản phẩm, chiến lược giá, thị phần, lợi thế về quy mô, hiệu quả của chiến lược hoạt động (sản xuất, marketing, kinh doanh…) cũng như khả năng phát triển sản phẩm trong tương lai.
Lợi thế cạnh tranh của SBU trong ma trận McKinsey cũng được chia thành ba mức: mạnh, trung bình và yếu.
2.3. Cấu tạo của ma trận GE
Ma trận GE được chia thành cấu trúc bao gồm 9 ô và được nhóm lại thành ba nhóm chính:
- Nhóm 1 – Đầu tư phát triển: Gồm 3 ô ở góc trái phía trên của ma trận. Các SBU thuộc khu vực này nên được quan tâm đầu tư để phát triển hơn nhờ vào sức hút thị trường cao hoặc lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hoặc cả 2 điểm mạnh đó.
- Nhóm 2 – Duy trì và nắm giữ: Gồm 3 ô nằm trên đường chéo từ ô dưới cùng bên trái đến ô trên cùng bên phải. Cần phải thận trọng khi quyết định đầu tư những SBU thuộc nhóm này.
- Nhóm 3 – Thanh lý: Gồm 3 ô nằm ở góc phải phía dưới ma trận. Những SBU thuộc khu vực này không còn đủ năng lực cạnh tranh cũng như sức hấp dẫn đối với thị trường nên cần ngừng đầu tư. Đồng thời, nên xem xét đến kế hoạch thay thế hoặc loại bỏ chúng.
3. Ưu nhược điểm của ma trận GE

- Ưu điểm: Ma trận GE đã khắc phục được nhược điểm của ma trận BCG khi đã xét đến 2 nhóm yếu tố bao gồm bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Vì vậy, kết quả phân tích ma trận McKinsey cung cấp thông tin khách quan hơn về thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nhược điểm: Tuy vậy, ma trận GE chỉ xem xét từng SBU một cách độc lập, chưa xét đến khả năng phối hợp giữa chúng. Đồng thời, việc phân tích ma trận đòi hỏi tương đối nhiều nguồn lực và yêu cầu nhà quản trị chiến lược có kinh nghiệm dày dặn.
4. Ứng dụng của ma trận GE trong kinh doanh
Theo như cấu trúc 3 nhóm của ma trận GE, doanh nghiệp có thể hoạch định ra 3 chiến lược tương ứng cho từng SBU như sau:
- Đầu tư phát triển: Thúc đẩy phát triển SBU nhờ kích thích đầu tư và mở rộng thị trường.
- Duy trì và nắm giữ: Duy trì thị trường hiện có, đồng thời tìm cơ hội củng cố thị trường bằng cách đầu tư thận trọng.
- Thanh lý: Thực hiện chiến lược loại bỏ hoặc thay thế đối với những SBU không đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của SSBM Việt Nam dành cho bạn đọc về ma trận GE. Việc hiểu rõ và áp dụng đúng hướng một mô hình phân tích kinh doanh sẽ giúp cho những nhà quản trị hoạch định ra những chiến lược kinh doanh phù hợp hoặc nảy ra những ý tưởng kinh doanh mới mẻ để phát triển doanh nghiệp hơn nữa.
Xem thêm: Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế (Global MBA) tại SSBM Việt Nam