Ma trận BCG là một trong mô hình phân tích được áp dụng rộng rãi trong kinh doanh nhằm xác định chiến lược hoạt động cho một doanh nghiệp. SSBM Việt Nam sẽ tổng hợp lại cho bạn đọc những kiến thức cơ bản về ma trận BCG qua bài viết dưới đây.
1. Ma trận BCG là gì?
Ma trận BCG (viết tắt của: Boston Consulting Group) là một mô hình phân tích nhằm giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược tăng trưởng thị phần. Căn cứ vào vị thế trên thị trường, các sản phẩm hiện hữu của doanh nghiệp sẽ được chia thành 4 nhóm để đưa ra quyết định đầu tư hay loại bỏ.

Mô hình BCG được thiết kế có 2 trục, bao gồm:
- Trục hoành – Thị phần (Market Share): Cho thấy thị phần của sản phẩm là thấp hay cao, tăng dần từ phải sang trái.
- Trục tung – Khả năng phát triển trong thị trường (Market Growth): Cho thấy tiềm năng thị trường có triển vọng phát triển hay không, tăng dần từ dưới lên trên.
2. Thành phần của ma trận BCG
Dựa vào sự sắp xếp theo hai trục Market Share và Market Growth, ma trận BCG được chia thành 4 khu vực đơn vị kinh doanh (SBU) như sau:
2.1. SBU Stars
SBU Star, hay còn gọi là đơn vị kinh doanh Ngôi sao, gồm những sản phẩm có thị phần đáng kể trong những ngành đang tăng trưởng thuận lợi. Chúng chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tăng trưởng và phát triển lợi nhuận từ chúng trong dài hạn.
Star được đánh giá cao về khả năng tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời tối thiểu hóa các nhu cầu về vốn. Dù vậy, bất kỳ một sản phẩm nào khi muốn phát triển trong thị trường để chiếm nhiều thị phần hơn đều đòi hỏi một lượng vốn cần thiết nhất định.
2.2. SBU Question Marks
SBU Dấu hỏi thường là những sản phẩm mới đang trong giai đoạn thâm nhập vào thị trường, tức là có lợi thế cạnh tranh và thị phần chưa cao. Tuy nhiên, chúng lại thuộc những ngành đang tăng trưởng mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ trở thành những Ngôi sao trong tương lai, có nghĩa là sẽ chiếm được nhiều thị phần hơn.
Để làm được điều đó, những Dấu hỏi này cần được giải mã bằng một khối lượng vốn rất lớn, nhưng doanh nghiệp cũng cần đánh giá chính xác tiềm năng phát triển của chúng để có chiến lược đầu tư xứng đáng.
2.3. SBU Cash Cows
Những sản phẩm có thị phần cao và lợi thế cạnh tranh trên thị trường, nhưng ngành của chúng có rất ít cơ hội để phát triển hơn, sẽ được xếp vào SBU Bò sữa. Chúng có được thế mạnh nhờ vào khả năng tiết kiệm chi phí từ lợi ích kinh tế quy mô và kinh nghiệm của doanh nghiệp.
Đúng như tên gọi Cash Cows, SBU này có khả năng sinh lời cao và đem đến cho doanh nghiệp một nguồn lợi nhuận hiện hữu để đáp ứng nhu cầu hoạt động, đồng thời không yêu cầu quá cao về vốn. Tuy vậy, chúng sẽ có rất ít cơ hội tạo ra đột phá do quy mô ngành không phải là xu hướng phát triển của nền kinh tế.
2.4. SBU Dogs
SBU Con chó bao gồm những sản phẩm có thị phần hạn chế, đồng thời tiềm năng phát triển của ngành cũng không cao. SBU này đòi hỏi lượng đầu tư lớn để có thể thúc đẩy ngành và tạo ra thị trường, nhưng chỉ đổi lại được một phần thị phần rất thấp, ít cơ hội tạo ra lợi nhuận tương xứng.
- Xem thêm: MBA là bằng gì? Những lợi ích mà MBA mang lại cho người học
3. Cách vẽ ma trận BCG
Để vẽ ma trận BCG, trước tiên cần xác định kỳ vọng về thị phần và lợi nhuận đối với mỗi sản phẩm trong từng danh mục. Sau đó, dựa vào hai trục Market Share và Market Growth, nhà phân tích có thể biểu thị mỗi sản phẩm trong danh mục vào bốn khu vực của mô hình. Lưu ý rằng, đối với trục hoành Market Share, thị phần danh mục sản phẩm sẽ tăng dần từ phải sang trái, và đối với trục tung Market Growth, tiềm năng phát triển của thị trường sẽ tăng dần từ dưới lên trên.

Một chiến lược kinh doanh hợp lý luôn phải đảm bảo ưu tiên hỗ trợ cho SBU Stars (ngành có tiềm năng phát triển mạnh mẽ thì cũng sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh) và Question Marks (để nhanh chóng làm chủ được thị phần trong một thị trường màu mỡ, đi trước đối thủ cạnh tranh).
Mặt khác, sau khi phân tích ma trận BCG, doanh nghiệp cần giảm bớt đầu tư vào Cash Cows do thị trường tăng trưởng chậm sẽ kém hấp dẫn đầu tư hơn, nhưng hãy nhớ chúng vẫn là một kênh tạo lợi nhuận khá hiệu quả. Đồng thời, hãy cân nhắc loại bỏ tất cả Dogs để tối thiểu hóa chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
4. Ý nghĩa của ma trận BCG
Phân tích ma trận BCG là phương pháp hữu hiệu giúp hoạch định và phân bổ nguồn đầu tư cho doanh nghiệp một cách hợp lý. Mô hình BCG cũng thể hiện một lát cắt nhỏ trong toàn cảnh vấn đề hiện tại của doanh nghiệp.
Tuy vậy, nếu so sánh ma trận SWOT và ma trận BCG, thì ta có thể thấy rằng ma trận BCG không xét đến các yếu tố ngoại sinh, cũng ít có giá trị dự báo cho tương lai và luôn có những sai sót dựa trên những giả định được đề ra từ ma trận.
5. Lưu ý khi sử dụng ma trận BCG
- Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ về từng loại sản phẩm để có cái nhìn chính xác nhất khi đánh giá và phân loại những sản phẩm đó vào từng SBU trong ma trận BCG.
- Nếu chỉ tập trung vào Market Share và Market Growth, doanh nghiệp có thể sẽ thiếu đi cái nhìn khách quan về các yếu tố khác ảnh hưởng tới sản phẩm.
- Mặt khác, chu kỳ tăng trưởng của mỗi loại sản phẩm khác nhau sẽ không giống nhau, khó có thể quy về một tiêu chuẩn nhất định.
Như vậy, SSBM Việt Nam đã giải đáp cho bạn đọc về khái niệm, ý nghĩa cũng như cách xây dựng ma trận BCG một cách chi tiết nhất. Dựa vào đó, khi áp dụng phân tích ma trận BCG, bạn đọc có thể tự mình đánh giá hiệu quả kinh doanh và tiềm năng phát triển của những sản phẩm hiện hữu trong một doanh nghiệp.
Xem thêm: Chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế (Global MBA) tại SSBM Việt Nam