Lạm Phát Chi Phí Đẩy Là Gì? Nguyên Nhân Và Các Giải Pháp Khi Xảy Ra

Trong nền kinh tế, lạm phát diễn ra theo nhiều mức độ khác nhau, do đó gây ảnh hưởng khác nhau đến nền kinh tế theo nhiều mặt lợi hoặc hại. Tuy nhiên, kiểu lạm phát do chi phí đẩy được các chuyên gia đánh giá là dấu hiệu xấu đối với một nền kinh tế. Vậy, lạm phát chi phí đẩy là gì? SSBM Việt Nam sẽ giải đáp qua nội dung sau đây.

1. Lạm phát chi phí đẩy là gì?

Lạm phát chi phí đẩy (tiếng Anh: Cost-push inflation) là loại lạm phát do chi phí sản xuất tăng mạnh. Chi phí sản xuất ở đây bao gồm nhóm yếu tố chi phí đầu vào, có thể kể đến như tiền lương nhân công, nguyên vật liệu đầu vào và chi phí tài chính. Khi những yếu tố này tăng giá và trở nên đắt đỏ, chi phí sản xuất sẽ tăng và dẫn đến lạm phát.

Khái niệm làm phát chi phí đẩy
Khái niệm về lạm phát chi phí đẩy

Khi chi phí tăng lên, nhà sản xuất cũng phải tăng giá sản phẩm để đảm bảo duy trì tỷ suất lợi nhuận. Tuy nhiên, chỉ một nhóm nhỏ doanh nghiệp tăng giá sẽ không tác động được đến cả nền kinh tế. Lạm phát do chi phí đẩy xảy ra khi giá thành phải có sự leo thang của nhiều nhà sản xuất gây ảnh hưởng đến nhiều ngành khác nhau.

2. Nguyên nhân xảy ra lạm phát chi phí đẩy

Như đã đề cập ở phần trên, lạm phát chi phí đẩy xảy ra khi chi phí sản xuất tăng do sự tăng giá của các yếu tố đầu vào. Một số nguyên nhân phổ biến là sự tăng giá của một số yếu tố, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu và các chi phí liên quan.

2.1. Giá nguyên vật liệu tăng cao

Việc thiếu thốn nguyên vật liệu là một nguyên nhân phổ biến dẫn tới lạm phát chi phí đẩy. Lúc này, nguồn cung thiếu hụt trầm trọng trong khi cầu không đổi khiến cho giá của nguồn nguyên liệu bị đẩy lên cao, làm tăng chi phí sản xuất.

Ngoài ra, đối với những quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu thì việc tăng giá của chúng cũng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng theo, khiến cho giá bán sản phẩm tăng. Nguyên nhân của sự tăng giá này thường là do mặt bằng giá cả quốc tế tăng hoặc tỷ giá hối đoái không ổn định.

 

 

Chi phí nguyên vật liệu tăng cao
Chi phí nguyên vật liệu tăng cao

2.2. Giá năng lượng tăng

Năng lượng là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với khả năng vận hành của mọi doanh nghiệp. Khi cung năng lượng trên thị trường giảm, điển hình như xăng dầu, các doanh nghiệp sản xuất không chỉ thiếu hụt nhiên liệu để duy trì hoạt động mà còn phải tiêu tốn nhiều chi phí hơn cho một đơn vị sản phẩm. Kết quả là, chi phí sản xuất tăng lên khiến cho lạm phát do chi phí đẩy xảy ra.

Trong quá khứ, cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1970, khi OPEN đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Hoa Kỳ, trong khi cầu dầu vẫn không thay đổi, đã khiến Hoa Kỳ gánh chịu một cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu, đồng thời giá dầu tại Hoa Kỳ tăng gấp 4 lần tại thời điểm đó. Khi lạm phát chi phí đẩy xảy ra thì hệ quả là hoạt động sản xuất hàng hóa khác cũng tốn kém hơn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

2.3. Chi phí vận chuyển và logistics tốn kém

Logistics là một yếu tố cấu thành quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, do đó khi chi phí logistics tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, và cả nguyên vật liệu, của doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Khi chi phí này tăng lên, lạm phát chi phí đẩy là điều khó tránh khỏi.

Trong giai đoạn 2021 – 2022, do ảnh hưởng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, chi phí về vận tải, logistics tại Việt Nam nói riêng và một số khu vực khác trên thế giới tăng mạnh, gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã gây ra nhiều bất lợi đến quản trị chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Như trong nửa đầu năm 2021, chi phí logistics tăng cao đã làm cho sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của nước ta giảm 7% so với cùng kỳ.

2.4. Tác động của đại dịch COVID-19

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020, các doanh nghiệp vừa gặp khó khăn trong sản xuất, vừa phải đối mặt với sự gia tăng trong chi phí sản xuất.

Dịch bệnh đã khiến cho nhiều quốc gia phải tạm thời đóng cửa, làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, dẫn đến tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu. Mặt khác, các chính sách giãn cách xã hội để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp phải lao đao vì sản xuất đình trệ, thậm chí phá sản. Kết quả là, cung thị trường giảm nhanh chóng, trong khi cầu không thay đổi đáng kể đã tạo ra lạm phát chi phí đẩy.

 

Tác động của đại dịch covid 19 gây ra lạm phát chi phí đẩy
Tác động của đại dịch covid-19

3. Giải pháp khi lạm phát chi phí đẩy xảy ra

Khi lạm phát chi phí đẩy xảy ra thì một trong những giải pháp tức thời là tăng lãi suất để giảm lạm phát. Tuy nhiên trên thực tế, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng, việc tăng lãi suất có thể dẫn đến sự suy thoái kinh tế khi các doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Vì vậy, Chính phủ và các doanh nghiệp có thể hướng đến một số giải pháp bền vững dưới đây: 

3.1. Tăng sản xuất và sản xuất bền vững

Để giảm thiểu lạm phát do chi phí đẩy, các doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất và phát triển bền vững, cốt lõi nhờ vào nâng cao năng suất lao động bằng cách tăng đầu tư vào khoa học – công nghệ, cải thiện các chính sách đào tạo và giáo dục cho người lao động, xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh….

Tuy nhiên, trong quá trình đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp phải một số rào cản về công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Mặt khác, thay đổi quy trình sản xuất đòi hỏi nhiều chi phí cơ hội, trong khi giá cả sản phẩm không được như kỳ vọng cũng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu e ngại, dẫn đến mục tiêu phát triển bền vững càng khó để đạt được.

3.2. Kiểm soát giá cả và lạm phát

Một cách quan trọng để kiểm soát mặt bằng giá chính là sự cần thiết phải phá vỡ độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường. Điều này mang lại hiệu quả vô cùng to lớn trong việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ, từ đó giúp giảm đáng kể lạm phát, bao gồm cả lạm phát chi phí đẩy.

Ngoài ra, Chính phủ có thể đồng thời thực hiện điều chỉnh và bình ổn giá hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Trong một số trường hợp, Chính phủ có thể cần phải đưa ra các gói hỗ trợ để giữ giá những mặt hàng này.

3.3. Tăng cường quản lý và giám sát thị trường

Các cơ quan chức năng cần phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương để tăng cường hoạt động quản lý và giám sát thị trường về giá cả, chất lượng sản phẩm, các quy định liên quan…

Đồng thời, Chính phủ cũng cần đề ra các quy định và chính sách để chống lại các hành vi đầu cơ, găm hàng, và tăng giá trái pháp luật để đảm bảo sự ổn định trên thị trường và giảm lạm phát do chi phí đẩy.

3.4. Tăng cường quản lý và giám sát hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu

Hoạt động thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu có ảnh hưởng đáng kể đến giá nguyên vật liệu và năng lượng trong nước, những yếu tố tạo ra lạm phát chi phí đẩy khi bị tăng giá. 

Do đó, các cơ quan ban ngành cần phải có những biện pháp để kiểm soát sát sao các hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nguồn nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động kinh tế nội địa. Đồng thời, các chính sách giảm bớt các rào cả và khuyến khích thương mại cũng cần thiết để có thể tăng cường cạnh tranh, từ đó giảm lạm phát do chi phí đẩy.

giải pháp khi lạm phát chi phí đẩy xảy ra
Tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu

3.5. Hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các chính sách tiền tệ và tài chính

Bên cạnh việc chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước luôn kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu.

Trong một số trường hợp, tăng lãi suất là biện pháp cần thiết để giảm nhu cầu vay nợ trên thị trường, đồng thời kích thích tiết kiệm.

Tuy nhiên, không có bất kỳ một giải pháp nào là tuyệt đối và có thể độc lập phát huy hiệu quả. Tùy vào từng tình huống cụ thể khác nhau mà các biện pháp có thể đem lại hiệu quả cũng khác biệt. Do đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phân tích chi tiết từng kịch bản để từ đó có đủ cơ sở lựa chọn áp dụng kết hợp các biện pháp để giải quyết vấn đề triệt để.

Như vậy, SSBM Việt Nam vừa hoàn thành nội dung về lạm phát chi phí đẩy để gửi đến bạn đọc. Những nhà quản trị doanh nghiệp cần phải hoạch định chiến lược đề phòng và đối phó với các tình huống khó khăn khi lạm phát chi phí đẩy xảy ra thì mới có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển bền vững. 

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *