QSPM là một mô hình phân tích kinh doanh được nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn áp dụng để hoạch định chiến lược. Trong bài viết này, SSBM Việt Nam sẽ giải đáp cho bạn đọc rằng ma trận QSPM là gì và làm thế nào để triển khai được một ma trận phù hợp.
1. Định nghĩa ma trận QSPM
Ma trận QSPM có tên đầy đủ trong tiếng Anh là Quantitative Strategic Planning Matrix, tạm dịch là Ma trận Hoạch định chiến lược định lượng.
Dữ liệu input đầu vào cho ma trận QSPM là những kết quả phân tích từ những mô hình phân tích EFE hay IFE. Từ đó, ma trận cho ra kết quả output là những định hướng hoạch định chiến lược để giúp nhà quản trị quyết định khách quan đâu là chiến lược hiệu quả nhất và xứng đáng để theo đuổi nhất để đạt được mục tiêu hoạt động trong số các chiến lược có khả năng thay thế.
2. Lợi ích của ma trận QSPM
Ma trận QSPM được xem là một mô hình phân tích kinh doanh hữu hiệu khi được áp dụng để có thể xác định được mức độ hấp dẫn tương đối của các chiến lược khác nhau.
Ma trận QSPM khi được xây dựng đúng đắn sẽ cho phép các nhà quản trị chiến lược dễ dàng so sánh và tìm ra lựa chọn hiệu quả nhất giữa những chiến lược khác nhau. Từ đó, doanh nghiệp có thể đánh giá khách quan các chiến lược và lựa chọn hợp lý dựa trên những thông tin và bằng chứng cụ thể.
Hoạch định chiến lược định tính là kết quả output sau cùng sau khi phân tích ma trận QSPM. Dựa vào sự khác nhau giữa đặc điểm và tính hấp dẫn của các chiến lược khác nhau, nhà quản trị có thể tìm cơ hội tốt nhất tận dụng hoặc cải thiện những yếu tố tạo nên thành công của môi trường bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp.
Ma trận QSPM có thể được áp dụng phổ biến với mọi quy mô doanh nghiệp, từ doanh nghiệp quy mô nhỏ đến những doanh nghiệp có quy mô lớn. Trong các chương trình đạo tạo bậc thạc sĩ, đặc biệt là thạc sĩ MBA, ma trận này nói riêng và các ma trận khác nói chung luôn được đề cập và xuất hiện trong chương trình giảng dạy.

3. 6 bước triển khai ma trận QSPM
Sau khi nắm được ma trận QSPM là gì, nhà quản trị cần phải triển khai được một ma trận phù hợp với tình trạng hiện tại của doanh nghiệp. Để xây dựng một ma trận QSPM hiệu quả cho tạo nền tảng để ra quyết định chiến lược tối ưu nhất, nhà quản trị thường áp dụng quy trình 6 bước như sau:
Bước 1:
Liệt kê vào cột (1) của ma trận các yếu tố ảnh hưởng đến thành công của doanh nghiệp, bao gồm nhóm yếu tố bên trong (điểm mạnh, điểm yếu) và nhóm yếu tố bên ngoài (cơ hội, nguy cơ). Nhà quản trị có thể sử dụng cùng thông tin dữ liệu cho phần này với mô hình EFE hoặc IFE.
Bước 2:
Phân tích ma trận SWOT và xác định các chiến lược có thể thay thế. Sau đó, đưa kết quả ghi nhận được vào hàng trên cùng của ma trận QSPM. Nhà quản trị có thể xem xét để phân nhóm các chiến lược đó để thuận tiện cho việc phân tích về sau.
Bước 3:
Xác định điểm số hấp dẫn từ 1 đến 4 theo nguyên tắc sau: Không hấp dẫn = 1; Ít hấp dẫn = 2; Hấp dẫn =3 và Rất hấp dẫn = 4. Giá trị trên biểu thị cho tính hấp dẫn tương đối (tỷ lệ) của mỗi chiến lược khi so sánh với những chiến lược cùng mục tiêu khác được đưa vào ma trận QSPM.
Bước 4:
Tính tổng điểm số hấp dẫn của mỗi chiến lược khi được xét riêng đối với từng yếu tố thành công quan trọng được liệt kê ở cột (1) bằng cách lấy tích giữa trọng số (tỷ lệ quan trọng) và điểm hấp dẫn trong mỗi hàng.
Bước 5:
Cộng dồn các số điểm hấp dẫn, ta được kết quả cuối cùng về tổng điểm số hấp dẫn của mỗi chiến lược (sau khi xem xét tất cả các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng tới các quyết định quản trị chiến lược). Giá trị của tổng số điểm này trong ma trận QSPM càng cao thì chiến lược càng thích hợp và càng đáng được lựa chọn để thực hiện.
Bước 6:
Về nguyên tắc, một ma trận QSPM có thể bao gồm bất cứ nhóm các chiến lược thay thế nào, và trong một nhóm thì có thể có bất cứ chiến lược nào. Nhưng khi xét đến kết quả output, nhà quản trị chỉ nên đánh giá những chiến lược trong cùng một nhóm để thu được kết quả khách quan và chính xác nhất.

Ví dụ, với một ma trận phân tích QSPM về chiến lược đa dạng hóa của một doanh nghiệp có thể bao gồm nhiều nhóm chiến lược. Cụ thể, nhóm chiến lược thứ nhất bao gồm chiến lược đa dạng hóa kết khối và đa dạng hóa đồng tâm, trong khi nhóm chiến lược còn lại bao gồm chiến lược đa dạng hóa liên kết theo chiều dọc và đa dạng hóa liên kết theo chiều ngang.
Như vậy, nhà quản trị chỉ nên so sánh các chiến lược thuộc cùng một nhóm. Nếu so sánh 1 chiến lược thuộc nhóm này với một chiến lược thuộc nhóm kia trong ma trận QSPM (ví dụ: đa dạng hóa đồng tâm với đa dạng hóa liên kết theo chiều dọc) thì sẽ không cho được kết quả đầu ra chính xác.
Trên đây là toàn bộ thông tin khái quát nhất để giải đáp cho bạn đọc về câu hỏi ma trận QSPM là gì. SSBM Việt Nam hy vọng từ những kiến thức cơ bản trên, nhà quản trị sẽ đúc kết ra được những bài học riêng cho mình để có thể áp dụng vào hoạt động kinh doanh hoặc giúp ích cho cuộc sống thường ngày của bản thân. Hãy tham khảo và theo dõi những nội dung khác từ chúng tôi.