Lợi Nhuận Gộp – Ý Nghĩa, Công Thức Và Cách Tính

Lợi nhuận gộp (tiếng Anh: Gross Profit) hay còn gọi là lãi gộp là phần tổng lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sau khi trừ đi các chi phí về sản xuất, chi phí bán hàng hoặc chi phí cung cấp dịch vụ. Trong nội dung tiếp theo, SSBM Việt Nam sẽ giải đáp lợi nhuận gộp là gì cũng như công thức tính toán chỉ số này.

1. Đặc điểm của lợi nhuận gộp

Lợi nhuận gộp là chỉ số được nhiều người quan tâm khi xem xét báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh định kỳ của doanh nghiệp. Đây được xem là chuẩn mực để đánh giá hiệu quả hoạt động hay mức độ thành công của mỗi doanh nghiệp. Lãi gộp cho biết hiệu quả sử dụng nguồn lực bao gồm nguồn lao động và nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong việc sản xuất các dịch vụ, hàng hóa.

Bên cạnh doanh thu từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ nhiều nhóm chi phí khác nhau, có thể kể đến như:

  • Chi phí nguyên vật liệu
  • Chi phí nhân công, tiền lương cho người lao động
  • Chi phí dự trù hao hụt trong quá trình sản xuất
  • Chi phí nhập kho và vận chuyển chế phẩm, thành phẩm
  • Chi phí thuê mặt bằng, nhà xưởng, kho bãi, điện nước… phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ
  • Chi phí marketing, chi phí bán hàng và các chi phí khi quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra thị trường
Lợi nhuận gộp là một trong những chỉ số quan trong đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp

2. Ý nghĩa của lợi nhuận gộp

Như đã đề cập trước đó, lợi nhuận gộp là chỉ số quan trọng không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn được nhóm nhà đầu tư quan tâm khi đánh giá hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Bởi vì, để đạt được mức lợi nhuận gộp kỳ vọng, các yếu tố liên quan có ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số này cần được quản lý chặt chẽ.

  • Xem thêm: Nợ ngắn hạn phản ảnh tình hình doanh nghiệp như thế nào?

Vậy, lợi nhuận gộp có ý nghĩa như thế nào trong kinh doanh và báo cáo tài chính?

  • Quản trị lợi nhuận gộp chính là kiểm soát hiệu quả các chi phí trong quá trình sản xuất, từ đó cắt giảm các chi phí không hợp lý để tối đa hóa lợi nhuận. 
  • Thông qua lãi gộp, doanh nghiệp có cơ sở để quản lý được tỷ suất sinh lời, từ đó phân bổ nguồn vốn hợp lý phục vụ cho chiến lược kinh doanh cũng như định hướng phát triển hợp lý nhất.
  • Chỉ số lợi nhuận gộp cũng giúp chủ doanh nghiệp hoặc nhà quản trị đánh giá chính xác hơn tình hình hoạt động của doanh nghiệp và hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp.
  • Đồng thời, lãi gộp là một căn cứ cơ bản để so sánh và đánh giá một doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường.

Mặc dù chỉ số này càng cao càng thể hiện công ty hoạt động hiệu quả và sức khỏe tài chính tốt. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào lợi nhuận gộp để đánh giá một doanh nghiệp. Bên cạnh lãi gộp, nhà quản trị có thể đánh giá thực trạng của doanh nghiệp qua nhiều yếu tố khác như: quy mô hoạt động, khả năng mở rộng, phạm vi ngành kinh doanh…

Nhìn chung, lợi nhuận gộp càng cao thì sức khỏe tài chính của doanh nghiệp càng tốt.

3. Công thức xác định lợi nhuận gộp

Lợi nhuận gộp được tính toán bằng công thức sau:

Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán

Trong đó: 

  • Doanh thu thuần: Là khoản doanh thu từ việc bán hàng của doanh nghiệp sau khi trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu khác.
  • Giá vốn hàng bán: Là khoản chi phí sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ và các chi phí phát sinh từ lúc sản xuất đến khi sản phẩm được đưa ra thị trường.

Dưới đây là một ví dụ để bạn đọc hiểu rõ hơn cách vận dụng công thức xác định lãi gộp:

Một doanh nghiệp có doanh thu thuần sau khi trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu là 1 tỷ đồng. Với giả định, tất cả chi phí hàng hóa bao gồm chi cho sản xuất vật tư là 250.000.000 đồng, và chi phí nhân công là 100.000.000 đồng. Khi đó, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp được tính là:

Lợi nhuận gộp =  1.000.000.000 – (250.000.000 + 100.000.000) = 650.000.000 đồng

Trong đó, phần tổng chi phí (250.000.000 + 100.000.000) được tính là giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.

4. Sự khác biệt giữa lợi nhuận gộp và thu nhập ròng

Thu nhập ròng là một chỉ số tài chính, còn có tên gọi khác là lợi nhuận ròng hay lợi nhuận thuần của doanh nghiệp. Nếu chỉ nghe qua và không am hiểu về kinh doanh, nhiều người vẫn hay lầm tưởng 2 khái niệm này là cùng là một. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy.

Sự khác biệt giữa lợi nhuận gộp và thu nhập ròng của  doanh nghiệp được đánh giá qua những yếu tố so sánh như sau:

  • Lợi nhuận gộp tức là khoản lợi nhuận đến từ việc kinh doanh bán hàng của doanh nghiệp, được hiểu là trừ đi các khoản chi phí cấu thành giá vốn hàng bán ra khỏi doanh thu thuần của doanh nghiệp.
  • Mặt khác, thu nhập ròng là khoản tiền cuối cùng mà doanh nghiệp thu được sau khi trừ đi các chi phí lãi vay và thuế. Có nghĩa là, thu nhập ròng chính là số tiền thực tế mà doanh nghiệp có thể sử dụng. 
  • Thu nhập ròng thường nằm ở dòng cuối cùng của bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và trong các kịch bản kinh doanh cơ bản, thu nhập ròng của doanh nghiệp sẽ nhỏ hơn lợi nhuận gộp. Điều này sẽ giúp bạn đọc dễ dàng nhận biết đâu là giá trị của chỉ số tương ứng.

Tổng kết lại, lãi gộp là một chỉ số tài chính được dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh chủ yếu của một doanh nghiệp, và được ghi nhận trong báo cáo thu nhập định kỳ của công ty. SSBM Việt Nam hy vọng những kiến thức hữu ích trên đã giúp bạn đọc hiểu được lợi nhuận gộp là gì cũng như không còn nhầm lẫn các khái niệm lãi gộp và lãi ròng nữa. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *