Trong nghiên cứu về kinh tế học, người ta thường chia thành 2 nhóm ngành nghiên cứu có phạm vi khác nhau: kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô. Trong nội dung dưới đây, SSBM Việt Nam sẽ giải đáp cho bạn đọc kinh tế học vi mô là gì và sự khác biệt giữa kinh tế vi mô so với kinh tế vĩ mô.
1. Kinh tế học vi mô
Để bắt đầu, bài viết sẽ giải thích kinh tế học vi mô là gì và những yếu tố liên quan đến phạm trù nghiên cứu kinh tế này.
1.1. Khái niệm và đặc trưng của kinh tế vi mô
Kinh tế học vi mô (Microeconomics) là một nhánh của kinh tế học nghiên cứu hành vi và quyết định của các đơn vị kinh tế nhỏ như cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp thông qua phân tích cách thức mà chúng tương tác với nhau trong cơ chế kinh tế thị trường và các quy luật kinh tế.

Đặc trưng của kinh tế vi mô là phân tích cách mà các đơn vị kinh tế tối ưu hóa lợi ích của mình trong các điều kiện thị trường khác nhau. Nội dung của nghiên cứu kinh tế vi mô giải thích các khái niệm cơ bản như cung và cầu, giá cả, chi phí, lợi nhuận, sự cạnh tranh hoàn hảo và không hoàn hảo…
Ngoài ra, nhà kinh tế vi mô thường sử dụng các công cụ toán học và lý thuyết trò chơi để xây dựng các mô hình kinh tế và kiểm chứng các giả thuyết kinh tế.
1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vi mô
Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế học vi mô là những yếu tố liên quan đến hành vi và quyết định của các đơn vị kinh tế quy mô nhỏ (hộ gia đình, doanh nghiệp…) như:
- Cung và cầu:
Cầu (D) là những mong muốn có khả năng chi trả của người tiêu dùng về một sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ ở một mức giá nhất định. Cung (S) là khả năng sản xuất và đáp ứng của nhà sản xuất đối với các loại hàng hóa hoặc dịch vụ tương ứng với từng mức giá.
Tương quan giữa cung và cầu sẽ ảnh hưởng đến giá cả (P) và số lượng hàng hóa (Q) trên thị trường.
- Chi phí và lợi nhuận:
Chi phí là tổng số tiền mà doanh nghiệp phải trả để sản xuất hàng hóa và dịch vụ, còn lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí.
Chi phí và lợi nhuận ảnh hưởng đến quyết định sản xuất, đầu tư và giá cả của doanh nghiệp.

- Cạnh tranh và thị trường:
Mức độ cạnh tranh và xu hướng thị trường cũng tác động đến đến năng suất sản xuất và chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.
- Các chính sách và quy định:
Chính sách và quy định được đặt ra với mục đích kiểm soát nền kinh tế, do đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các đơn vị kinh tế.
1.3. Các ví dụ về hoạt động kinh tế vi mô
Kinh tế học vi mô có ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như kinh tế lao động, kinh tế công, kinh tế phát triển, kinh tế môi trường và kinh tế chính sách. Một số ví dụ về hoạt động kinh tế vi mô có thể kể đến như:
- Quyết định phân bổ ngân sách của một doanh nghiệp nội địa.
- Một hộ kinh doanh áp dụng máy móc vào quy trình sản xuất (thay cho phương pháp truyền thống) để tăng khả năng cung.
- Thị trường nhà ở tại một địa phương bất kỳ, ví dụ như thị trường căn hộ hạng B tại TP. HCM.
Xem thêm:
- Chương trình MBA dành cho người đang đi làm
- Học MBA ở Việt Nam hay nước ngoài sẽ tốt hơn?
- Những lợi thế khi Học thạc sĩ Quản trị Kinh doanh
2. Kinh tế học vĩ mô
Sau khi tìm hiểu kinh tế vi mô, nội dung dưới đây sẽ đưa bạn đọc đến với một phạm trù nghiên cứu kinh tế khác: kinh tế học vĩ mô.
2.1. Khái niệm và đặc trưng của kinh tế vĩ mô
Kinh tế vĩ mô là một nhánh của nghiên cứu kinh tế bên cạnh kinh tế học vi mô. Kinh tế vĩ mô nghiên cứu về hành vi của toàn bộ nền kinh tế, bao gồm các biến như thất nghiệp, GDP, lạm phát, cán cân thương mại và chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các nhà kinh tế vĩ mô cũng phát triển các mô hình giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố này.
Kinh tế vĩ mô sử dụng toán học và thống kê để đo lường và dự báo các biến số kinh tế. Các mô hình nghiên cứu thường dựa trên giả định về hành vi của các đối tượng kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.
Kinh tế vĩ mô có liên quan chặt chẽ đến các lĩnh vực khác của kinh tế học như kinh tế quốc tế, kinh tế tiền tệ, kinh tế hành vi và kinh tế lượng.

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô
Kinh tế vĩ mô có mục tiêu phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế, sự ổn định giá cả và sự phân bổ nguồn lực hiệu quả trong nền kinh tế. Do đó, các yếu tố ảnh hưởng đến bối cảnh kinh tế vĩ mô bao gồm:
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được sản xuất tại một quốc gia trong 1 năm.
- Lạm phát hoặc giảm phát: Mức độ tăng hoặc giảm giá các mặt hàng và dịch vụ.
- Tỷ lệ thất nghiệp nội địa: Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm.
- Cán cân thương mại quốc gia: Chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Chính sách tiền tệ: Công cụ giúp Ngân hàng Trung ương điều tiết lượng tiền mặt và lãi suất trong nền kinh tế.
- Chính sách tài khóa: Công cụ điều tiết thuế và chi tiêu công của Chính phủ.
2.3. Các ví dụ về hoạt động kinh tế vĩ mô
Trong khi kinh tế học vi mô ảnh hưởng đến các chủ thể kinh tế quy mô nhỏ, thì kinh tế vĩ mô có vai trò quan trọng trong việc định hướng và đánh giá các chính sách kinh tế của chính phủ.
Ví dụ về các hoạt động diễn ra trong kinh tế học vĩ mô bao gồm:
- Thống kê và tính toán tỷ lệ thất nghiệp tại một quốc gia trong 1 năm hoặc 1 giai đoạn bất kỳ.
- Ngân hàng Nhà nước thực hiện các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất.
- Hoặc nghiên cứu về các yếu tố tác động đến cán cân thương mại của quốc gia trong 1 giai đoạn.
3. Sự khác nhau giữa kinh tế học vi mô và vĩ mô
Điểm đặc trưng nào có thể giúp nhà kinh tế học phân biệt kinh tế học vi mô và vĩ mô?
3.1. Về quy mô và phạm vi ảnh hưởng
Kinh tế vi mô có quy mô và phạm vi nghiên cứu hẹp, chủ yếu liên quan đến các thị trường cụ thể (sữa, điện máy, bất động sản…) và các chủ thể đơn lẻ (hộ kinh doanh, doanh nghiệp nội địa).
Trong khi đó, kinh tế vĩ mô có quy mô nghiên cứu và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, bao gồm cả nền kinh tế và các chỉ tiêu tổng thể như GDP, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát…

3.2. Về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Khi nghiên cứu kinh tế học vi mô, người ta thường tiếp cận theo hướng từ dưới lên, tức là xem xét các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến các chủ thể kinh tế nhỏ và rút ra kết luận về toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu kinh tế vi mô chủ yếu dựa vào phân tích toán học và lý thuyết trò chơi.
Ngược lại, nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô thường đi theo hướng phân tích từ trên xuống, tức là xem xét các biến số tổng thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và gán ảnh hưởng tương tự lên các chủ thể kinh tế nhỏ. Phương pháp nghiên cứu kinh tế vĩ mô là kết hợp giữa toán học và thống kê để giải thích và đưa ra dự báo cho toàn bộ nền kinh tế.
3.3. Về mối quan hệ giữa các đối tượng kinh tế
Trong kinh tế vi mô, các đối tượng kinh tế thường độc lập và ít tác động trực tiếp đến nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu kinh tế vi mô và áp dụng kết quả nghiên cứu vào các hoạt động nội bộ doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh sẽ giúp xác định mức giá của sản phẩm dựa vào các yếu tố sản xuất trong nền kinh tế.
Mặt khác, các biến kinh tế và đối tượng trong kinh tế vĩ mô thường được phân tích tổng hợp và đặt trong cùng một mối tương quan để kết quả nghiên cứu sẽ bao quát được toàn bộ môi trường của một nền kinh tế.
Tổng kết lại, SSBM Việt Nam vừa hoàn thành nội dung giải đáp kinh tế học vi mô là gì, kinh tế học vĩ mô là gì và tổng hợp những đặc điểm phân biệt kinh tế học vi mô và vĩ mô. Nếu bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu kinh tế, chúng tôi mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích các bạn trong công việc của mình.
>>> Xem thêm: Suy thoái kinh tế là gì? Dấu hiệu của một nền kinh tế suy thoái